Monday, July 13, 2015

Một phương pháp học mới cũng khá hay mà mình muốn chia sẻ

Chào mọi người.

Tính đến nay thì mình cũng không còn theo phương pháp này nữa. Tuy vậy thỉnh thoảng vẵn mở MS ra luyện tí, cả tuần được 1 lần 5 – 10 phút, trước kia thời kì cao điểm 1 ngày phải 3 4 tiếng. Minh đã học cũng phải đến hơn 5 năm theo phương pháp này và nó cũng có tác dụng thật. Nó rất hữu ích cho những bạn ở tình độ Intermediate. Hiện tại thì với mình nó cũng đã đến ngưỡng bão hòa. Dù gì thì những bài MS nó quanh đi quẩn lại vẫn là những câu đơn giản và nó cũng khó thể giúp mình lên đến trình độ cao hơn. Mình vẫn phải nhắc lại là ai chưa học phương pháp này thì vẫn rất nên học nhé, nếu học thật sự được thì chắc chắn sau 2 đến 3 năm học liên tục các bạn sẽ có cảm nhận giống mình là bão hòa dần. Đến năm thứ 4 và 5 sẽ thấy nhạt.

Đến nay thỉnh thoảng một số bạn vẫn add nick trên face để hỏi mình nhiều cái. Thật tuyệt khi nhiều người thật sự muốn đầu tư và học tốt tiếng anh, nhất là giao tiếp. Do với mình đã bão hòa nên mình thật sự lại cần có một cuộc cách mạng lần 2 (lần 1 chính là cuộc cách mạng mang tên Effortless English). Và mình hiện đang học theo 1 phương pháp mới khá thú vị là Dictation (chép chính tả tiếng Anh). Mình thấy rằng mình đang trên con đường cách mạng lần 2 vậy.

Không phải quảng cáo mà là chia sẻ, các bạn thử vào theo link sau xem, nếu ai có thời gian có thể vừa học Effortless lại kết hợp Dictation, mình nghĩ sẽ rất tuyệt.

Link bài giảng Dictation ở đây
https://www.youtube.com/watch?v=32T-nyka0dM&list=PLA5501E1A2A1D7CBF

Chưa hết, trước đây mình luôn có 1 câu hỏi mà phải qua channel này mình mới có câu trả lời. Mình share tiếp 1 link nữa, cùng 1 thầy ở link trên nhé. Ví dụ như trong tiếng anh âm ed liệu có được phát âm. A MISSED CALL. Mình được dạy là miss + /t/ + call. Tuy nhiên thực tế nếu nói nhanh làm gì có /t/, vậy là thế nào. Tại đây bạn sẽ được giải đáp những câu hỏi như vậy.

Mình gợi mở vậy thôi, các bạn hãy tiếp tục tìm hiểu, phương pháp chép chính tả tiếng Anh mình đảm bảo rất có hiệu quả nhé.

Goodluck and happy studies!

Monday, January 20, 2014

So sánh vui về tiếng Việt và tiếng Anh

Hôm nay vô tình đọc được 1 blog của một bạn chắc cũng học theo phương pháp Effortless English. Mình thấy bạn ý có nhiều bài viết cũng rất hay, nên muốn chia sẻ với các bạn. Mình đọc xong bài viết dưới đây thì mình càng cảm thấy là việc học thuộc lòng là vô cùng đúng đắn, tất nhiên là học theo phương pháp hợp lý.

Link bài viết ở đây:
http://my.opera.com/phamtuantrung/blog/show.dml/2890093

Các bạn đọc xong chắc sẽ thấy nhiều điều thú vị về tiếng Anh và cả tiếng mẹ đẻ nữa, những thứ mà mình ít khi để ý.

Monday, November 25, 2013

Học ngôn ngữ bằng tiềm thức

Hi all,

Lâu lâu rồi mình mới tiếp tục viết bài. Bài viết này có lẽ nên viết trước cả nhiều bài khác vì nó đi sâu về vấn đề học tiếng anh theo phương pháp Effortless English. Có lẽ cũng từ bài viết này mà mọi người có thể hiểu được vấn đề mà bài viết trước (Học ngôn ngữ = học thuộc lòng?) từng đề cập.

Đây là vấn đề mà thầy AJ cũng đã nói đến, các bạn có thể đọc ở đây trước:
http://effortlessenglishclub.com/subconscious-vs-conscious-learning

Mình thì hiểu học bằng tiềm thức là như sau. Mình học thuộc lòng nhiều câu không phải để lúc nào cũng nhớ (thực tế là cũng chẳng nhớ được), tuy nhiên tiềm thức sẽ nhớ hộ mình. Sau này có tình huống mà mình cần đến bộ não sẽ gợi nhớ đến những gì mình đã từng thuộc hoặc từng nghe qua.

Ví dụ chút cho rõ ràng hơn: các bạn khi nói đến phim Bao Công chắc phải nhớ đến câu hát huyền thoại: rút dao chém xuống nước nước càng chảy mạnh, nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm. Câu hát này phải đến 20 năm rồi nhưng mình vẫn nhớ như in. Thực tế bình thường mình cũng chẳng quan tâm đến nhưng khi có việc gợi nhớ đến thì mình có thể nói được ngay.

Một trường hợp khác: mình từng xem 1 bộ phim hoạt hình từ rất bé, mình xem đi xem lại, và đến giờ có rất nhiều câu hội thoại trong phim mình vẫn nhớ, và nó cũng hình thành phong cách nói hiện nay ở một vài tình huống, chưa kể những câu trong đó mình nhớ vì mình vẫn tiếp tục ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày. Các bạn thử liên hệ với mình xem đúng không.

Việc học Effortless cũng vậy, bạn học thuộc nhiều câu trong Mini story cũng chinh là để “dùng cho sau này”. Hy vọng qua 2 ví dụ các bạn có thể hiểu được ý mình muốn nói. Tất nhiên việc học thuộc cũng mới là 1 mảng tương đối quan trọng, vì thực tế còn có nhiều tác động như văn cảnh, cảm xúc, hơn nữa nếu so với tiếng Việt là thứ tiếng còn dùng để suy nghĩ trong đầu thì ngoại ngữ không thể bì được. Chủ yếu mình muốn giải thích thêm 1 khía cạnh để mọi người yên tâm mà học đi học lại nghe đi nghe lại bài Mini story cho hiệu quả.

Mình cũng muốn viết nhiều hơn những nghĩ đến cái này thì nó lại liên quan đến khía cạnh khác, thế nên tạm thời mình kết ở đây, các bạn hãy đọc bài blog của thầy AJ và nếu có gì muốn chia sẻ hãy để lại comment.

Có lẽ thế thôi, mọi người lại tiếp tục học Effortless chứ không nên sa đà vào việc tìm kiếm quá nhiều lời khuyên trên mạng, thành công chỉ đến khi các bạn hành động, viết xong bài này mình cũng lại đeo mp3 lên và nghe Mini story đây.

Goodluck and happy studies.

Monday, October 28, 2013

Học ngôn ngữ = học thuộc lòng?

Hế lô các bạn.

Cũng lâu lâu rồi mình mới quay lại blog, hôm nay mình sẽ viết một bài với chủ đề như phần titile đã nêu. Lý do mình viết bài này là đợt vừa rồi có một số bạn comment hoặc gửi email cho mình hỏi tương đối là kĩ về cách sử dụng bài học Mini story sao cho hợp lý, hỏi kĩ đến mức mà không thể kĩ hơn, nào là học có cần phải pause lại để trả lời cho kịp không, rồi nên trả lời 1 2 từ hay cả câu. Mình thấy nhiều bạn quả là kỹ tính và thực tế thì không cần chuẩn đến mức phải hỏi kĩ đến thế.

Trước hết mình sẽ nói về vấn đề học ngôn ngữ. Mình từng nói học ngôn ngữ cũng chính là học thuộc lòng, với tiếng Việt, mình nói hàng ngày những câu như: “Con chào bố”, hay “Đang làm gì thế?”, “Ăn cơm chưa?” đến mức thuộc lòng mà mình không để ý thôi. Và khi cần dùng là bật ra ngay lập tức. Vậy nên rất cần học thuộc lòng. Nhưng đây là việc vô cùng chán thế nên mới có những phương pháp giúp ta học thuộc mà vui hơn như Effortless chẳng hạn. Và mình cũng từng xem qua một số phương pháp được gọi là tân tiến nhất trên thế giới thì đều dựa trên nền tảng học thuộc (nếu ai từng nghe đến Crazy English thì sẽ hiểu).

Học thuộc còn giúp bạn nghe tốt hơn. Ví dụ tại sao trên phim họ nói nhanh thế mà dân bản xứ vẫn hiểu. Hãy nghĩ đến tiếng Việt. Câu nói “Đang làm gì thế?” thế một ví dụ. Liệu bạn có bao giờ phát âm chuẩn và rõ

ĐANG LÀM GÌ THẾ

không hay là nói nhanh và lướt

đan làm gi ế (hic viết nên khó diễn tả nhưng chúng ta là người Việt chắc đều hiểu câu đó nói nhanh sẽ ra gì).

Tiếng Anh cũng thế. Nói lướt vậy mà mình vẫn hiểu là do câu đó mình hoàn toàn thuộc, và chỉ cần nghe lướt là hiểu, không cần phải nghe rõ. Nếu bạn nghe tiếng anh mà mới chỉ nghe được khi người khác nói chậm, trình độ bạn còn yếu nhưng cụ thể hơn bạn chưa nghe đủ nhiều mà thuộc để lướt qua phát là nghe được, đồng thời học thuộc cũng là để tăng tốc độ tư duy cho tiếng Anh. Effortless English đáp ứng được điều này từ việc học thuộc sao cho đỡ nhàm chán và luyện phản xạ hay tư duy.

Vậy thực tế các bạn cứ thoải mái học theo Effortless dựa trên hướng dẫn của thầy. Thầy AJ cũng đã hướng dẫn rất đầy đủ rồi, mình chỉ nói thêm 1 quan điểm cá nhân đó là mấu chốt chính là học thuộc mà thôi. Bạn nghe đi nghe lại nhiều lần cũng là vì thế. Vậy nên bạn có thể nghe và trả lời 1 2 từ, thích thì cả câu, hôm nào mệt thì nghe không mà không cần trả lời cũng không sao cả. Đừng quá căng thẳng về chuyện phải học thế nào, có khi nhiều bạn còn sáng tạo cho hay hơn nữa, có những cách để khi nghe Mini story giống môi trường giao tiếp thực thụ hơn nữa.

P/S: một lý do nữa mình viết bài này là dạo này mình đang áp dụng Effortless vào tiếng Hàn Quốc nữa, đợt vừa rồi có bạn học tiếng Hàn trên diễn đàn, khi mình nêu ra phương pháp này để áp dụng cho tiếng Hàn, bạn ấy có vẻ không thích. Nói rằng không bao giờ học thuộc mà cần hiểu và áp dụng. Mình thì không hiểu những câu kiểu như “Đang làm gì thế?” hay “Con chào bố” thì có gì mà khó hiểu, đơn giản là học thuộc. Tất nhiên mình viết bài này không phải để tranh luận với bạn ý làm gì, nó chỉ lóe lên 1 ý tưởng để mình viết blog chia sẻ vấn đề thôi.

Trên hết,  đây chỉ là quan điểm cá nhân, nếu ai thấy không hợp lý có thể không cần quan tâm, hơn nữa nếu ai có cách học hay hơn thì có thể chia sẻ cho mọi người để cùng nhau tiến bộ. Hy vọng bài viết giúp ích cho các bạn.

Goodluck and happy studies.

Monday, September 16, 2013

Làm thế nào để xem được các phim Hollywood mà không cần phụ đề?

Thời gian vừa có có một số bạn hỏi về việc làm thế nào để xem phim Mỹ mà không cần phụ đề. Và một số câu hỏi như

  • làm thế nào để tăng vốn từ vựng
  • học Effortless English đã đến lúc bão hòa, Power English thì nghe dễ nhưng xem phim hay nghe Real English vẫn thấy khó, làm gì tiếp theo bây giờ

Mình hôm nay tổng hợp lại và đưa ra vài lời khuyên cho mấy câu hỏi ở trên, cũng mong các bạn vào góp ý thêm. Đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân, hơn nữa trình độ mình cũng chưa nghe được phim Mỹ mà không cần phụ đề ( may ra có mấy phim chủ đề về gia đình, trường học bạn bè như kiểu High School Musical thì còn nghe được tàm tạm chứ mấy phim hành động hay khoa học viễn tưởng thì bó tay).

Mình nghĩ rằng những ai học theo Effortless English nếu chăm chỉ sau một thời gian đều đạt được một trình độ nhất định, khi đó khả năng đọc và giao tiếp có thể tương đối bão hòa ở mức Intermediate hoặc cao hơn là Upper-Intermediate. Tuy nhiên ở mức độ này thì vốn từ vựng hay khả năng nghe sẽ khá khó để lên thêm 1 level nữa để đủ đọc hay nghe ở mức advanced như thời sự chính trị, hoặc xem phim.

Theo mình nhận thấy để có thể xem được phim thì mọi người cần có một vốn từ tương đối lớn, hoặc nghe bản tin CNN cũng vậy. Có thể nhiều người đọc văn bản viết rất khá nhưng nghe lại không được như thế. Lý do là họ chỉ thành thạo vốn từ vựng đó cho việc đọc, ít khi nghe được lượng từ vựng khó thường xuyên. Theo Effortless 1 từ để sử dụng thành thạo phải được lặp đi lặp lại cả trăm thậm chí nghìn lần, điều này thường chỉ làm được khi nghe thường xuyên, nhưng các bài nghe thì thường là vốn từ lõi (khoảng 3000 từ, nhiều người chắc biết cái này), vậy thì việc bão hòa và đứng ở mức thang này là thường gặp. Bạn mình nhiều người tiếng anh khá mà không phải chuyên anh cũng đều ở mức này.

Mình cũng từng nghĩ xem làm thế nào để có thể xem phim hoặc nghe thời sự một cách dễ dàng, nhưng quả thật nó như kiểu Mission Impossible đối với một người không phải chuyên anh, thời gian dành cho tiếng anh không thể quá lớn được. Mà nếu có dành thời gian thì cũng chưa biết kết quả ra sao nữa, mình hiện cũng đang ở trình độ Upper-Intermediate khá lâu và cảm giác không thể lên được nữa. Hiện mình cũng đi làm (mình thì làm CNTT) và thời gian dành cho tiếng anh càng ít đi, thậm chí giờ cố ổn định ở trình độ này khéo cũng đã là tốt. Có lẽ với nhiều người mình khuyên tiếp tục củng cố vốn từ lõi để giao tiếp thành thạo với vốn từ đó hơn là cố xem được phim hay bản tin với vốn từ quá mênh mông như thế. Cái này là khuyên với mấy bạn không phải chuyên anh nhé.

Còn với một số bạn vẫn muốn tiếp tục thì mình nghĩ cần phải làm 1 số việc sau:

  • để nghe bản tin CNN, thì hãy học bộ Original level 3 thật kĩ, cộng với việc đọc thật nhiều bản tin để có vốn từ lớn, hãy làm giống như cách đã các bạn đã làm và thành công với Effortless, chỉ khác là lần này để có được vốn từ rộng sẽ rất nan giải đó
  • còn để xem phim, nếu các bạn không sang Mỹ thì chắc chỉ còn cách lôi bộ Real English ra luyện, kết hợp với xem phim thật nhiều. Cách làm thì như thầy AJ nói là xem đi xem lại, ví dụ 1 tuần xem khoảng 5 phút phim và xem đi xem lại, khó quá thì nhìn sub rồi lại xem thôi, đúng kiểu deep learning mà mình vẫn hay làm

Tại sao mình lại phân ra 2 cái gạch đầu dòng đó vì theo mình khó có 2 kiểu, 1 kiểu là vốn từ academic nó rất advanced, 2 là hệ thống từ lóng chứa đựng văn hóa của Mỹ, đó là mình chưa nói đến hệ thống từ vựng được viết trong kinh thánh tôn giáo ặc ặc. Liệu bạn có thể áp dụng 7 quy tắc vào các trường hợp kia không, vấn đề chính là nó quá đa dạng chủ đề đối với 1 người không phải dân bản xứ.

Viết dài thế này không biết đã giúp gì các bạn trong việc xem phim Mỹ không nhưng mình tin những ai đã học Effortless English đến mức khá đều hiểu mình phải làm thế nào để áp dụng 7 quy tắc học vào các trường hợp trên. Còn với những ai là beginner thì cũng làm như vậy thôi, cũng học đi học lại và nghe đi nghe lại, có thể chọn mấy bộ phim hoạt hình cho trẻ em tầm 6 7 tuổi cũng rất tốt.

Viết thế thôi, đọc xong các bạn lại cầm MP3 lên học tiếp nhé, không nên sa đà vào lý thuyết nhiều. Ai có ý kiến gì cứ để lại comment, đây là ý kiến cá nhân thôi, đừng gạch đá nhé 😀

Goodluck and happy studies.

Thursday, July 25, 2013

American Accent Training

âu lâu rồi mình không vào blog, hôm nay vào lại blog mình update blog một tí kẻo để lâu mốc meo :D
Lần này mình sẽ giới thiệu một quyển sách tương đối hay về ngữ âm.

Như các bạn đã biết thì học theo Effortless English thì lấy nghe là chính, và American Accent Training cũng vậy. Nếu các bạn đã nghe được Effortless kha khá, mình nghĩ nếu lấy level 2 bộ Original hoặc bộ Power English mà các bạn đã nghe được thì cuốn sách này sẽ là sự bổ sung hoàn hảo.

Sách dạy cho người học chủ yếu về việc tiếng anh được thực sự phát âm như thế nào ( tất nhiên là theo phong cách Mỹ), với các bài luyện tập ở nhiều khía cạnh, mỗi ngày các bạn học Effortless có thể xem thêm một chút ở đây nữa, nhất định khả năng ngữ âm sẽ được nâng cao, cách nuốt âm luyến âm sẽ không thành vấn đề, và nếu có xem phim Mỹ thì cũng khá hơn. Các bạn sẽ hiểu 1 câu khi nói nhanh sẽ ra sao, các âm trong câu bị biến đổi thế nào so với chữ viết, và tất nhiên khả năng nghe sẽ được lên một tầm cao mới.  AJ nhiều lúc nói cũng khá nhanh, và nhờ đọc sách này mà nhiều lúc mình vẫn có thể biết rõ trong câu có những từ gì dù khi nói nhanh AJ hay lướt và nuốt âm.

Vì thông tin trên mạng cũng nhiều nên mình chỉ nói qua thêm quan điểm các nhân của mình, và với mình thì Effortless vẫn là chủ đạo, American Accent Training là phụ thôi, bạn nào quan tâm hơn có thể tìm hiểu thêm trên mạng. Mình thì copy link sưu tầm để các bạn down về sách và Audio. Nếu đến lúc có bạn nào down và link chết thì comment lại, mình sẽ tự up lên cho các bạn.

Goodluck and happy studies.

Thursday, June 13, 2013

Liệu Effortless English có dành cho beginner?

Hôm nay ngồi chợt nhớ lại ngày trước, mình từng giới thiệu phương pháp Effortless này cho các bạn của mình. Hồi đó vẫn còn ít người biết đến Effortless chứ chưa như bây giờ, nhiều người trong đó có mình cũng chưa thật sự hoàn toàn tin vào phương pháp này. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác, và hôm nay mình cũng không nói về chuyện đó nữa.

Điều mình muốn nói là về một số người bạn mình, cũng là sinh viên, nhưng trình độ hoàn toàn là beginer, họ nắm được ngữ pháp cũng chưa phải là tốt và nghe thì hoàn toàn mù tịt. Và khi học theo Effortless thì rất nản vì ngay cả những bài đầu tiên bộ Original cũng đã là khá khó. Và bạn mình đi đến kết luận cái này phải dành cho ai đã có một lượng kiến thức nhất định. Và quả thật giờ nghĩ lại thì điều này có lẽ đúng.

Mình không ở vào hoàn cảnh của các bạn ý vì lúc mình bắt đầu nghe Effortless thì mình cũng đã có một nền tảng ngữ pháp tương đối khá và mình luyện nghe (theo kiểu cứ nghe càng nhiều càng tốt, tắm ngôn ngữ) cũng được một thời gian tương đối tầm 2 năm. Trình độ ở vào mức tương đối khá. Vậy lời khuyên cho những beginner thế nào đây.

Mình nghĩ phương pháp Effortless là rất chính xác, 7 rules ý, nhưng bộ DVD thì chưa có bộ nào hướng đến đối tượng Beginner cả. Lời khuyên của mình là dùng 7 quy tắc kia cho những bộ giáo trình dễ hơn. Ví dụ các bạn có thể dùng new headway cũng được. Ban đầu các bạn chỉ việc nghe càng nhiều càng tốt, càng dễ càng tốt và không cần phải nói. Giống trẻ con có thời kì đầu chỉ biết nằm nghe bố mẹ nói những câu dễ. Cái này AJ gọi là silent period, có clip nói về cái này nhưng hiện tại lâu rồi mình không nhớ rõ lắm, mọi người có thể vào trang podcast của thầy hoặc nếu ai dùng itunes ( download free nhé) để vào tìm. Cái podcast này mình có nói đến 1 lần nhưng lần đó mình chưa đưa link itunes thì phải, có cái này quản lý rất dễ, thầy hiện nay vẫn update podcast, trên itunes có thể thấy.

https://itunes.apple.com/us/podcast/effortless-english-podcast/id188333691

Tuy nhiên như mình nói ở bài post lần trước là động lực chiếm đến 80%. Những bạn beginner thì càng phải nỗ lực hơn nữa. Lý tưởng là nghe 24/7 cứ rảnh là nghe, và cố gằng nghe bài có text đi kèm sẽ tốt hơn. Đừng nên nghe CNN hay BBC từ đầu, VOA special cũng là một cái hay nhưng theo mình không nên lạm dụng vì nó đọc rất chậm mà vốn từ lại tương đối khó. Theo mình là ngay từ đầu nên nghe tốc độ bình thường (tất nhiên không phải nhanh) mà vốn từ lại dễ. Cái này quan điểm cá nhân nhé Fan VOA đừng ném đá ( hồi trước mình cũng luyện VOA một thời gian nhưng sau chán).

OK, hy vọng bài viết này có ích cho các bạn, nếu có gì thắc mắc các bạn hãy để lại comment. Mình sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm của mình trong các bài tiếp theo.

Goodluck and happy studies.